SỔ ĐỎ MỚI KHÔNG CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Xem: 2850 | Cật nhập: 5/7/2016 10:18:57 AM | RSS
Người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu mới đang gặp khó khăn trong việc thế chấp, cầm cố do phần tài sản như nhà, xưởng không được chứng nhận quyền sở hữu. Đã 4 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng xử lý bất cập này.

Trước đây, theo Nghị định 60, nhà có đất được cấp “sổ hồng”- gọi là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; đất không có nhà được cấp “sổ đỏ”- gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi có Nghị định 181, các giấy trên được thay bằng mẫu mới là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phần tài sản sở hữu như nhà chỉ được... ghi nhận.

Bà Nguyễn Thị Minh, nhà ở 49 ngõ Thịnh Hào 3, Tôn Đức Thắng (Hà Nội), cho biết, giữa tháng 2 bà đem giấy tờ nhà đi thế chấp ở một ngân hàng để vay vốn, sau khi xem hồ sơ, ngân hàng đã từ chối giao dịch vì cho rằng giấy chỉ “chứng nhận quyền sử dụng đất” còn phần nhà không đứng tên bà. Bà Minh bức xúc: “Ngân hàng bảo sổ đỏ của tôi chỉ có phần đất hợp lệ, nhà không có chủ sở hữu vì không ghi tên tôi".

Theo giải thích của cán bộ tín dụng các ngân hàng, nếu ngân hàng cho vay vốn, khi có “sự cố”, họ không thể phát mãi tài sản thế chấp do nhà trên đất không ghi tên cụ thể ai là chủ sở hữu. Hiện cán bộ thẩm định các ngân hàng không dám duyệt hồ sơ cho vay cả những căn nhà thế chấp có giá vài tỷ đồng được cấp sổ đỏ theo mẫu mới.

Sáng qua, tại phòng công chứng số 1, công chứng viên cho hay không thể chứng thực mua bán nhà có sổ đỏ mới, vì trên giấy không ghi cụ thể diện tích nhà, số tầng, mà chỉ ghi đôi nét về tài sản. Hiện nay chỉ những giao dịch có sổ đỏ cũ mới được công chứng.

Ông Trần Ngọc Nga, Trưởng phòng công chứng số 1, cho biết, giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang chững lại, nên bà con chưa bức xúc nhiều về sổ đỏ mẫu mới. Tuy nhiên, với những người cần chứng thực thì thật sự khó khăn. "Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần quay trở về mẫu giấy cũ có ghi cả diện tích đất và nhà ở, không nên có thêm một loại giấy mới sẽ gây phiền toái cho người dân cho dù việc chứng nhận chỉ do một cơ quan chính quyền địa phương đảm trách", ông Nga nhận xét.

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất Hà Nội xác nhận, các gia đình nhận sổ đỏ mới chỉ được ghi hiện trạng tài sản vào giấy song không chi tiết, không được chứng thực để mua bán, cầm cố. Vấn đề này gây khó khăn đối với người dân, nhưng các cơ quan thành phố vẫn phải thực thi theo Luật vì chưa có hướng dẫn thay đổi.

Ông Hậu cho biết thêm, từ khi góp ý kiến cho dự thảo các Nghị định theo Luật Đất đai mới vào cuối năm 2004, thành phố Hà Nội đã có 2 văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường ghi nhận cả phần sở hữu nhà và tài sản trên đất như cũ, song không được chấp thuận. Vừa rồi, Hà Nội lại kiến nghị Chính phủ xem xét cấp sổ hồng cho nhà chung cư, nhà thuộc sở hữu nhà nước, thay vì cấp sổ đỏ theo Nghị định 181. Bởi thành phố đang rất "lúng túng" khi cấp sổ đỏ cho đối tượng này theo quy định, chưa biết cấp cho chủ hộ hay cho doanh nghiệp kinh doanh nhà.

Trao đổi với TS, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho hay bất cập trên đã được lường trước từ khi cơ quan này soạn thảo Nghị định 181. Theo tinh thần Luật Đất đai, sổ đỏ chỉ chứng nhận quyền sử dụng đất còn mọi tài sản trên đất sẽ đăng ký sở hữu. "Nếu cấp giấy hồng như cũ, sẽ không bao quát được các tài sản như nhà, xưởng, kho, vườn cây lâu năm", ông Võ giải thích. Vướng mắc ở chỗ người dân muốn đăng ký sở hữu các tài sản trên phải chờ Luật đăng ký bất động sản trong khi hiện nay Bộ Tư pháp còn chưa hoàn thành dự thảo lần 1 bộ luật này.

Theo ông Võ, sẽ không có phản ứng trên nếu trong thời gian chờ đợi Luật mới cơ quan chức năng có hướng dẫn tạm thời đăng ký tài sản trên đất theo hướng nào. Để giải quyết vấn đề này, có hai luồng ý kiến. Một, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (bên cạnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hai, đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất vào ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cách làm như cũ).

Trong khi mọi sự rối ren trên chưa được gỡ, mới đây Bộ Xây dựng lại kiến nghị Chính phủ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Theo ý kiến của rất đông người dân, không nên tạo ra quá nhiều giấy phép vừa tốn kém vừa dễ tạo kẽ hở trong quản lý và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp. Hơn nữa, Luật Đất đai cũng đã quy định rõ là chỉ cần đăng ký tài sản trên đất chứ không cần phải cấp giấy chứng nhận nữa.

Trước rất nhiều ý kiến khác nhau của các bộ có liên quan, cuối tuần trước Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu 3 bộ Tài nguyên Môi trường, Tư pháp và Xây dựng phối hợp giải quyết gấp vướng mắc trên. Dự kiến trong tuần này sẽ có một cuộc họp để thống nhất quan điểm trình Thủ tướng quyết định.

Theo dien dan tai avatar.net

trangchu:;top:;bottom:;trai:;phai:;TrangDanhMuc:;TrangChiTiet:;Canonical:;SiteMap:;-cauhinhseo-
Bên phải
Bên trái